CÔNG TY TNHH MTV XI MĂNG VICEM HẢI PHÒNG
  ĐIỆN THOẠI: 0225 387 5359  EMAIL: XIMANGHAIPHONG@XMHP.COM.VN
TRANG CHỦ / NHÀ TRUYỀN THỐNG NGÀNH XI MĂNG / CÔNG TY XI MĂNG VICEM HẢI PHÒNG - QUA CÁC THỜI KỲ
CÔNG TY XI MĂNG VICEM HẢI PHÒNG - QUA CÁC THỜI KỲ
Lịch sử xây dựng và phát triển của Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng đến nay đã trải dài qua 3 thế kỷ: Cuối thế kỷ XIX, trọn vẹn thế kỷ XX và bước sang thập kỷ thứ 3 của thế kỷ XXI. Những dấu mốc thăng trầm, biến đổi trong dòng chảy lịch sử hào hùng đó đã làm lên một Xi măng Vicem Hải Phòng huyền thoại.












1. THỜI KỲ PHÁP THUỘC – CÔNG NHÂN LÀM THUÊ (1899-1955):

1.1. Giai đoạn 1: (1899-1927) – Xây dựng và vận hành Nhà máy xi măng Porland nhân tạo Đông Dương



Ngày 25/12/1899, trên mảnh đất ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý, Kỹ sư Albert Butin đã đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng Nhà máy, có sự chứng kiến của toàn quyền Đông Dương Paul Doumer đánh dấu sự ra đời Nhà máy xi măng đầu tiên tại Đông Dương.

Nhà máy ban đầu có công suất 20.000 tấn xi măng/năm. Năm 1902 Nhà máy đi vào hoạt động và sản xuất được 12.000 tấn xi măng. Năm 1925 xây dựng xong 15 lò đứng công suất 150.000 tấn xi măng/năm. Năm 1927 mở rộng sản xuất khởi công xây dựng 04 lò quay công nghệ ướt. Những ngày đầu chỉ sử dụng 100 công nhân và số lượng tăng dần theo số lò đi vào sản xuất. Đến năm 1923 đã có khoảng 3.000 công nhân tham gia lao động sản xuất tại Nhà máy. Đó là lực lượng quan trọng cấu thành nên đội ngũ công nhân thành phố Cảng. Ngay từ khi mới hình thành tuy chưa được giác ngộ ý thức giai cấp, công nhân Nhà máy đã hăng hái tham gia các cuộc đấu tranh của thợ thuyền Thành phố.

1.2. Giai đoạn 2: (1928-1955): Đấu tranh Thợ - Chủ, hình thành giai cấp công nhân Việt Nam và thành lập các tổ chức chính trị:


Tranh sơn dầu: Họa sỹ Nguyễn Tư Ngiêm, nguồn Bảo tàng Hải Phòng

Thời gian này, do bị áp bức bóc lột nặng nề nên công nhân Nhà máy đã đứng lên đấu tranh, từ tự phát sang tự giác, trở thành một trong những lực lượng tiên phong cách mạng ở Hải Phòng và cả nước. Hàng trăm cuộc đấu tranh lớn nhỏ, hàng nghìn cuộc đình công, bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đuổi thợ, chống đánh đập, cúp phạt… đã gây cho giới chủ nhiều thiệt hại nặng nề. Nhà máy Xi măng Hải Phòng là cái nôi của phong trào đấu tranh ở thành phố Cảng lúc bấy giờ.

Cuối năm 1928, tổ chức Công hội đỏ của Nhà máy được thành lập. Tháng 6/1929 Tổ chức Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Nhà máy được thành lập với 12 hội viên (là 1 trong 2 chi bộ đoàn đầu tiên của cả nước). Tháng 8/1929 Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của Nhà máy được thành lập và là một trong những Chi bộ Đảng đầu tiên của thành phố Hải Phòng. Đầu năm 1930, Đội Xích vệ đỏ của Nhà máy được thành lập bảo vệ các tổ chức chính trị và lãnh đạo. Các đồng chí: Nguyễn Đức Cảnh, Trần Phú, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Linh đã về chỉ đạo phong trào cách mạng công nhân xi măng.

Ngày 08/01/1930 trên phạm vi toàn Nhà máy thu hút gần 2.000 công nhân tham gia, đòi tăng lương, giảm giờ làm, phát lương đúng kỳ, chống đuổi thợ vô cớ… Cuộc đấu tranh đã thu được những thắng lợi nhất định, thực sự là cuộc biểu dương sức mạnh đoàn kết, ý chí kiên quyết và sự trưởng thành về ý thức giai cấp của công nhân Nhà máy. Ngày 08/01/1930 trở thành ngày truyền thống của công nhân Nhà máy và sau này được công nhận là Ngày truyền thống của công nhân ngành xi măng Việt Nam.

Năm 1933, xây dựng hoàn thành 04 lò quay sản xuất theo phương pháp ướt (công nghệ mới xi măng bền và dẻo hơn, năng suất lò cao hơn) lò dài 86 - 106 mét, công suất 200 - 300 tấn/ngày. Sản lượng năm 1939 đạt 305.000 tấn xi măng và đã được xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hà Lan, Ấn Độ, Philippines, Tân Tây Lan.

Khi chiến tranh thế giới thứ 2 nổ ra và quân đồng minh Nhật Hoàng ném bom oanh tạc làm cho Nhà máy hỏng một phần, công suất giảm. Trong suốt thời kỳ này, ngọn lửa đấu tranh của công nhân xi măng Hải Phòng luôn cháy sáng với tinh thần bất diệt và ý chí ngoan cường: “Sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì Tổ quốc cần”. Công nhân Nhà máy đã phát huy sức mạnh đoàn kết, sáng tạo các hình thức đấu tranh để góp phần xứng đáng vào thắng lợi Cách mạng tháng 8 năm 1945. Năm 1954-1955 một số tỉnh thành phố được giải phóng, chủ Pháp cho phá hủy một số công trình, máy móc; công nhân Nhà máy đã đấu tranh bảo vệ và cất giấu máy móc thiết bị nhằm khôi phục sau này. Những cuộc đấu tranh lớn nhỏ ấy bền bỉ như ngọn lửa, lúc âm ỉ cháy, lúc lại bùng lên dữ dội, điển hình là ngày 04/01/1955 khi 3.000 công nhân cùng đứng lên đấu tranh chống di chuyển máy móc, chống cưỡng ép di cư vào Nam và đòi tiếp tục sản xuất. Sau chiến thắng Điện Biên lừng lẫy, miền Bắc hoàn toàn giải phóng và ngày 12/5/1955, những tên lính Pháp cuối cùng lục tục rời khỏi Nhà máy. Từ đây, Nhà máy Xi măng Hải Phòng đã chính thức về tay giai cấp công nhân.

2. THỜI KỲ SAU KHI GIÀNH CHÍNH QUYỀN – CÔNG NHÂN LÀM CHỦ (1955-nay):

2.1. Giai đoạn 3: (1955-1975) - Tiếp quản, vừa sản xuất vừa chiến đấu bảo vệ nhà máy.



Ngày 12/5/1955 Người Pháp đã đóng cửa Nhà Giấy (Văn phòng làm việc) bàn giao cho Bộ đội Việt Nam vào tiếp quản. Đoàn chuyên viên kinh tế vào hiệp thương điều tra, tiếp quản Nhà máy. Mặc dù tiếp quản thành công nhưng công cuộc khôi phục sản xuất là hết sức khó khăn, phức tạp do Nhà máy đã bị phá hoại nặng nề, sản xuất gần như tê liệt. Giới chủ người Pháp cho rằng phải mất ít nhất 3 năm và phải dựa vào kĩ sư người Pháp miền Bắc có thể khôi phục được hoạt động của Nhà máy. Tuy nhiên, với tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao của tập thể CBCNV, chỉ sau chưa đầy 6 tháng, ngày 7/11/1955 Lò nung Xi măng Hải Phòng đã kiêu hãnh nhả khói trên bầu trời thành phố. Đến cuối tháng 12/1955, thêm 3 lò được đưa vào sản xuất. Sản lượng xi măng tăng 301.000 tấn/năm, gồm 2 loại trong nước và xuất khẩu đều đạt tiêu chuẩn Quốc tế.

Ngày 30/5/1957, CBCNV Xi măng Hải Phòng được vinh dự đón Bác Hồ về thăm Nhà máy. Bác đến khu chuyển đá, bừa bùn, lò nung, đóng bao và nói chuyện với cán bộ, công nhân: “Nhà máy xi măng Hải Phòng trước đây là của thực dân. Bây giờ là của các cô, các chú. Người công nhân trước đây là người làm thuê cho tư bản, bây giờ là người làm chủ đất nước, phải xứng đáng với vai trò của mình…”. Cuối cùng, Bác căn dặn: “Bác mong các cô, các chú thực hiện tốt những điều sau đây: Phải tăng gia sản xuất; phải thực hành tiết kiệm; phải tôn trọng và chấp hành nghiêm kỷ luật lao động; phải ra sức học tập, trau dồi văn hóa, chính trị và kỹ thuật; phải luôn luôn đoàn kết, thật thà phê bình và tự phê bình”. Lời căn dặn của Bác là món quà tinh thần và động lực to lớn để cán bộ công nhân viên Nhà máy vượt qua mọi khó khăn, đẩy mạnh phong trào thi đua hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động.

* Thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965): Nhà máy đã phát động và triển khai mạnh mẽ các phong trào thi đua như: Ba Nhất; 4 ngọn cờ hồng; Sóng Duyên Hải, Thi đua kiến thiết đất nước. Trong lao động sản xuất đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến: Tổ Đá nhỏ ca A (phân xưởng Máy đá) được công nhận là Tổ Lao động XHCN đầu tiên của miền Bắc; nhiều tấm gương công nhân lao động được phong tặng Danh hiệu Anh hùng lao động, Chiến sỹ thi đua toàn quốc như: Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Hiền Viết, Nguyễn Văn Vinh…và nữ công nhân tiêu biểu của Nhà máy - đồng chí Trương Thị Len đạt Danh hiệu Chiến sỹ thi đua Toàn quốc, là đại biểu trẻ nhất Đại biểu Quốc hội khoá II, được vinh dự 7 lần gặp Bác Hồ. Nhà máy tự hào đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng miền Bắc, chi viện cho chiến trường Miền Nam. Giai đoạn này, sản phẩm xi măng Hải Phòng có mặt ở nhiều nước: Ấn Độ, Indonexia, Singapore, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hồng Kong…

* Vừa sản xuất và chiến đấu chống Mỹ (1965-1975): Năm 1965 khi Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc, Nhà máy đã chuyển từ trạng thái sản xuất từ thời bình sang thời chiến. Phát huy truyền thống Đội Xích vệ I, Đội Xích vệ II, Xích vệ III, Xích vệ IV được thành lập có hàng trăm công nhân lên đường vào các chiến trường A, B, C, D. Trên bầu trời, không quân Mỹ ngày đêm, bắn phá ác liệt thì bên hầm lò, trong phân xưởng những người công nhân xi măng vẫn kiên cường vừa chiến đấu, vừa bám máy bám lò, chiến đấu bảo vệ sản xuất với tinh thần bất diệt “Trái tim còn đập, lò còn quay”. Giai đoạn này Nhà máy đã sản xuất được trên 2,8 triệu tấn xi măng trong đó có hàng vạn tấn xi măng vượt kế hoạch trong phong trào thi đua “Sản xuất 4 vạn tấn xi măng vì đồng bào miền Nam ruột thịt”. Để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Nhà máy, 60 công nhân đã hy sinh tại Nhà máy; Có 29 chiến sỹ Tự vệ hy sinh trong chiến đấu bắn trả các đợt không kích của đế quốc Mỹ được Nhà nước trao tặng danh hiệu Liệt sỹ. Gần 800 người con của xi măng Hải Phòng đã lên đường vào Nam chiến đấu. Cũng trong giai đoạn này, với niềm vinh dự tự hào được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ sản xuất loại xi măng đặc biệt P600 để xây dựng Lăng và Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh, CBCNV Nhà máy đã tập trung trí tuệ, sức lực, tuyển chọn những loại nguyên liệu tốt nhất để sản xuất thành công xi măng P600 với chất lượng vượt yêu cầu để cung cấp gần 8.000 tấn cho công trình.

2.2. Giai đoạn 4: (1975-2005) – Duy trì sản xuất ở Nhà máy cũ và xây dựng Nhà máy mới

* Tháo gỡ khó khăn, ổn định sản xuất (1975-1985): Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, CBCNV Nhà máy nêu cao ý chí quyết tâm, vượt qua khó khăn, thử thách tập trung phục hồi Nhà máy và thúc đẩy sản xuất. Năm 1976, năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ 2 của Đảng, Nhà máy đã sản xuất vượt 4.000 tấn xi măng về trước kế hoạch 22 ngày 2 giờ. Năm 1977, sản lượng xi măng sản xuất đạt 474.215 tấn. Đầu những năm 1980, Nhà máy đã chia sẻ cán bộ có kinh nghiệm và công nhân lành nghề, trợ giúp vật tư, máy móc thiết bị để sớm đưa các Nhà máy xi măng khác trong ngành đi vào hoạt động. Chặng đường 1975-1985 là chặng đường nhiều sóng gió và thử thách khắc nghiệt đối với Nhà máy khi phải xây dựng, phục hồi sản xuất trong điều kiện thiếu thốn mọi bề. Tuy nhiên, tập thể CBCNV đã đồng lòng, đoàn kết để giữ vững được sản xuất và ổn định đời sống người lao động.

* Bước vào thời kỳ đổi mới: Nhờ chủ động đổi mới công tác lãnh đạo, cơ chế quản lý, sắp xếp lại sản xuất và lực lượng lao động nên Nhà máy đã vượt qua được thời điểm khó khăn trước đó. Công nhân Nhà máy đã phát huy 878 sáng kiến, tháng 09/1989, sản phẩm xi măng của Nhà máy được cấp dấu chất lượng cấp I. Đặc biệt, Nhà máy chủ động đầu tư, tập trung sản xuất sản phẩm mới. Ngay từ năm 1989, dây truyền sản xuất xi măng trắng đã được hoàn thành và đi vào sản xuất; năm 1990 sản xuất được 8.481 tấn. Đây là mặt hàng chiến lược góp phần để Nhà máy vượt qua khó khăn trước mắt và tạo thế ổn định, phát triển lâu dài.

Ngày 09/08/1993, Bộ Xây dựng ký Quyết định số 353/BXD-TCLĐ, thành lập Công ty Xi măng Hải Phòng trên cơ sở sáp nhập Công ty cung ứng xi măng Hải Phòng với Nhà máy Xi măng Hải Phòng, đánh dấu thời kỳ sản xuất thật sự bám sát và đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài các sản phẩm truyền thống, Công ty còn sản xuất một số xi măng đặc chủng, phục vụ xây dựng các công trình quốc phòng ở các tỉnh biên giới và quần đảo Trường Sa.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh giải phóng dân tộc và kháng chiến chống Mỹ cứu nước Công ty vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.

Sau gần 100 năm hoạt động, trải qua 2 cuộc kháng chiến mang trên mình nhiều thương tích chiến tranh, thiết bị lạc hậu xuống cấp nặng nề, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nhà máy đứng trước thách thức đóng cửa. Trước thực tế đó, ghi nhận những công lao mà tập thể CBCNV Xi măng Hải Phòng đã đóng góp trong quá trình bảo vệ và kiến thiết đất nước; thấu cảm ý nguyện của công nhân xi măng Hải Phòng cần gìn giữ cái nôi của ngành xi măng Việt Nam; Đảng và Nhà nước đã quan tâm đồng ý đầu tư xây dựng Nhà máy Xi măng Hải Phòng mới. Ngày 29/11/1997, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1019/QĐ-TTg cho phép Công ty Xi măng Hải Phòng xây dựng Nhà máy mới với công nghệ hiện đại, đảm bảo môi trường tại Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

* Từ 1998 - 2005: Công ty bước sang một giai đoạn mới, vừa nỗ lực duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và đời sống cho hơn 3.200 lao động ở Nhà máy cũ, vừa tập trung chuẩn bị các công việc cho xây dựng Nhà máy mới. Năm 1999 tròn 100 tuổi, Công ty đã được Chủ tịch nước tặng thưởng phần thưởng cao quý “Huân chương Độc lập Hạng Nhất”.

Ngày 25/12/2002, Nhà máy Xi măng Hải Phòng mới được khởi công xây dựng tại Tràng Kênh, Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng với dây chuyền thiết bị hiện đại do hãng FL Smidth - Đan Mạch cung cấp, công suất 1,4 triệu tấn/năm. Đúng 11 giờ, ngày 30/11/2005, mẻ clinker đầu tiên ra lò, đạt chất lượng tốt.

2.3. Giai đoạn 5: (2006 đến nay) – Sản xuất tại Nhà máy mới

Những năm đầu sản xuất tại Nhà máy mới, Công ty đưa dây chuyền Nhà máy mới vào hoạt động trong điều kiện khó khăn bộn bề. Năm 2009, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, nền kinh tế nước ta cũng bị ảnh hưởng khá nặng nề, ngành xi măng đối diện với nhiều khó khăn, Công ty đã nỗ lực để hoàn thành kế hoạch: Sản xuất trên 1,1 triệu tấn clinker; tiêu thụ trên 1,76 triệu tấn xi măng.

Nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày thành lập với những thành tích đặc biệt xuất sắc năm 2009 Công ty được Đảng, Nhà nước trao tặng phần thưởng cao quý “Huân Chương Hồ Chí Minh”.
Năm 2015, sản lượng tiêu thụ bình quân đạt trên 1,7 triệu tấn/năm, vượt công suất thiết kế. Với thành tích xuất sắc đạt được, Công ty vinh dự đón nhận Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ.
Năm 2021, thực hiện cải tạo nâng công suất Lò nung đạt trên 4.000 tấn clinker/ngày, tổng sản phẩm tiêu thụ đạt trên 3 triệu tấn/năm vượt công suất thiết kế. Bên cạnh đó Công ty đặc biệt chú trọng vào việc sử dụng nguyên liệu phế thải công nghiệp thay thế cho các nguyên nhiên liệu hóa thạch không tái tạo (tro xỉ nhiệt điện, thạch cao nhân tạo…) của các nhà máy trên địa bàn thành phố Hải Phòng và các tỉnh lân cận, góp phần bảo vệ môi trường, theo mục tiêu VICEM xanh.

Với truyền thống lịch sử vẻ vang, được sự quan tâm lãnh đạo của Thành phố, sự chỉ đạo của Tổng công ty, sự phối hợp của các đơn vị thành viên VICEM, Công ty Xi măng Vicem Hải Phòng đã vượt qua khó khăn thử thách, bảo đảm việc làm - thu nhập cho người lao động, điều kiện và môi trường làm việc được cải thiện, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, thành phố và Tổng công ty Xi măng Việt Nam.
  TIN KHÁC
CÔNG TY TNHH MTV XI MĂNG VICEM HẢI PHÒNG
Địa chỉ: Thị trấn Minh Đức, Thủy Nguyên, Hải Phòng
Điện thoại: (+84) 0225 387 5359
Fax: (+84) 0225 387 5365
Website: www.ximanghaiphong.com.vn
Email: ximanghaiphong@xmhp.com.vn
KÊNH ĐẶT HÀNG ONLINE
© 2022 Bản quyền thuộc về Xi măng Vicem Hải Phòng
LIÊN HỆ NGAY
Hotline: 0225 387 5359